Án chung thân cho nguyên Thượng tá Công an lừa đảo 24 tỉ đồng

0
323
Bị cáo Y Tuyến tại tòa.

Lợi dụng “mác” Thượng tá Công an để lừa đảo

Trong các ngày 29 và 30/8, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Y Tuyến Ksơr về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2012 đến tháng 8/2016, Y Tuyến Ksơr mang quân hàm thượng tá, lần lượt giữ các chức vụ: Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA71) và Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (PC46) thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk.

Lợi dụng mình là người có chức vụ trong ngàng công an, trong khoảng thời gian trên, Y Tuyến đã đưa ra thông tin gian dối như: bản thân quen biết với lãnh đạo Bộ Công an, có khả năng xin vào học tại các trường của ngành công an, vào công tác trong ngành công an và xin chuyển công tác từ đơn vị này đến đơn vị khác…

Qua đó, Y Tuyến đã chiếm đoạt của hàng chục người dân ở nhiều tỉnh thành khác nhau với tổng số tiền hơn 24 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, một phần Y Tuyến dùng trả nợ cho những người đã nhận “chạy” việc trước đó, một phần đã tiêu xài cá nhân. Còn các hồ sơ liên quan đến xin việc, xin học, hầu hết Y Tuyến đều mang đi tiêu hủy.

Đến năm 2016, một số hộ dân đã tố cáo Y Tuyến nhận hơn 3 tỉ đồng để “chạy” cho con em họ vào học các trường trung cấp cảnh sát. Kèm theo đơn tố cáo là một số giấy tờ thể hiện nội dung giao-nhận tiền, có chữ ký của ông Y Tuyến.

Sau khi bị tố cáo, ông Y Tuyến xin nghỉ việc, đi chữa bệnh dài hạn tại TP.HCM. Tháng 11/2016, Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ông Y Tuyến. Đồng thời, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng có báo cáo gửi Bộ Công an, đề nghị cắt danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Y Tuyến.

Tiếp đó, vào đầu năm 2017, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Y Tuyến về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm bị khởi tố, ông Y Tuyến đã rời khỏi địa phương và bị phát lệnh truy nã.

Đến tháng 2/2017, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an TP Đà Nẵng đã bắt được bị can Y Tuyến và di lý về Đắk Lắk để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội.

“Ngày trả giá”

Tại tòa, bị cáo Y Tuyến đồng ý với bản cáo trạng. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng mình đã dùng một phần số tiền chiếm đoạt được để “tặng quà” cho một số lãnh đạo trong và ngoài ngành Công an tại tỉnh Đắk Lắk. Do đó, bị cáo yêu cầu HĐXX trả hồ sơ để điều tra, làm rõ tình tiết này. Nói về việc khắc phục hậu quả, bị cáo Y Tuyến khai hiện mình không còn tài sản, không còn khả năng trả nợ.

Rất nhiều người bị hại đến tham dự phiên tòa.

Trong phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây, cơ quan điều tra (CQĐT) đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, cử cán bộ tới những tỉnh, thành được cho là có thông tin có tài sản của bị cáo để thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, lực lượng chức năng tại những tỉnh, thành đã kiểm tra trả lời không có bất kỳ tài sản nào đứng tên những người mà CQĐT Công an tỉnh Đắk Lắk yêu cầu.

Tại Đắk Lắk, bị cáo có 2 mảnh đất nhưng đều đã thế chấp ngân hàng, đến nay chưa trả. Còn lại, phần tài sản thu giữ được của bị cáo trong quá trình điều tra chỉ có tổng trị giá hơn 60 triệu đồng.

Về vấn đề bị cáo yêu cầu trả lại hồ sơ để điều tra những cán bộ, lãnh đạo trong và ngoài ngành Công an tại Đắk Lắk đã nhận tiền của mình, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk lập luận rằng, đây là lời khai vô căn cứ. Bởi lẽ, bị cáo không có bất cứ bằng chứng nào để chứng minh nên không có cơ sở để trả hồ sơ.

Căn cứ vào lời khai của bị cáo, bị hại và những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cũng như kết quả xét hỏi, tranh luận tại tòa, cuối cùng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Y Tuyến mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Y Tuyến phải bồi thường khoản tiền gần 24 tỉ đồng cho hơn 60 bị hại.

Nguồn: infonet.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.