Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết vừa kiến nghị TP HCM bổ sung dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn vào quy hoạch đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài (Tây Ninh). Theo đó, Đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ được nối từ bến Bạch Đằng, quận 1 tới các quận huyện phía Tây thành phố như Hóc Môn, Củ Chi, Gò Vấp, quận 12. Tuyến đường cũng sẽ phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 22 đi từ TP HCM lên Mộc Bài.
Ông Châu phân tích, Đại lộ ven sông chạy từ cầu Sài Gòn giáp ranh quận Gò Vấp và 12 là 6 làn xe; từ đó đi lên Củ Chi là 4 làn xe. Trong khi đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài là 6 làn xe. Vì thế, ông đề nghị đưa Đại lộ bổ sung vào Cao tốc là hợp lý, coi đó là một dự án thành phần của cao tốc. Chưa kể, việc giải phóng mặt bằng sẽ tận dụng được quỹ đất lưu thông sông Sài Gòn.
Đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài (đường kẻ tím đậm)
Đại lộ ven sông Sài Gòn là ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP HCM từ năm 2017. Tuyến đại lộ này có chiều dài khoảng 61 km, tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng bao gồm cả lãi vay của nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức BT. Thành phố sẽ phải sử dụng quỹ đất khoảng 12.398 ha để thanh toán cho Tuần Châu, tương đương 5% tổng diện tích TP HCM.
Trước đề xuất này, Bộ KH&ĐT đề nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh nguồn lực đất đai hiện nay hạn chế. Đồng thời, theo Luật Đấu thầu, dự án cần được tổ chức đầu tư rộng rãi để lựa chọn chứ không thể chỉ định.
Đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài được nhiều nhà đầu tư đề xuất xây dựng, trong đó có cả một công ty đến từ Ấn Độ. Theo phương án từ một nhà đầu tư đưa ra, cao tốc này có tổng chiều dài 84,5 km, chia làm 4 đoạn tuyến với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 30.000 tỷ đồng, tương ứng 1,36 tỷ USD. Dự án có vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Khi hoàn thành, cao tốc sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế, là tuyến giao thông cao tốc Xuyên Á kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok-Phnom Penh-TPHCM).
Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải trình kế hoạch phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này để có phương án cụ thể về giải phóng mặt bằng, triển khai sớm tuyến cao tốc từ những nguồn lực khác nhau để tiến hành khởi công sớm nhất. Thời gian trình Thủ tướng trong tháng 9.
Nguồn: ndh.vn