Xe quá tải hoành hành hơn trước
Lan Nhi
(TBKTSG Online) – Tình trạng cơi nới kích thước, thùng, chở hàng quá tải trên một số tuyến đường sau một thời gian giảm nay lại diễn biến phức tạp hơn trước.
![]() |
Tình trạng xe quá tải lại diễn ra phức tạp hơn trước. Ảnh : Ủy ban an toàn giao thông quốc gia |
Theo văn bản mới đây của Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng gửi Phòng thương mại và công nghiệp (VCCI), ngành vận tải hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn do đầu tư phương tiện thiếu định hướng. Sự phát triển của đội xe quá nóng, tăng từ hơn 7.000 đầu xe năm 2014 lên 15.000 đầu xe năm 2016 khiến cạnh tranh càng trở nên quyết liệt.
Hiệp hội của Hải Phòng nhận định rằng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT), Bộ Công an và các địa phương đã xử lý quyết liệt các phương tiện chở quá tải trọng cho phép. Song gần đây, tình trạng cơi nới kích thước, thùng, chở hàng quá tải trên một số tuyến đường, kể cả các bến thủy nội địa diễn ra phức tạp. Một số bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe tìm cách né tránh kiểm tra, thậm chí lôi kéo nhiều người, kích động, chống đối cản trở người làm nhiệm vụ. Một số doanh nghiệp kho bãi, bến cảng… đã ký cam kết với Bộ GTVT không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá trọng tải quy định nhưng thực tế vẫn vi phạm. Một số dự án BOT đã lắp đặt cân kiểm tra trọng tải xe nhưng vẫn không hoạt động.
Vì vậy các doanh nghiệp chấp hành chở đúng tải có nguy cơ mất hàng do không cạnh tranh được với giá của phương tiện chở quá tải. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện phải dừng đỗ do không có hàng hoặc bán phương tiện để trả nợ ngân hàng do thu không bù được chi phí.
Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng nhấn mạnh: “Tình hình kinh doanh vận tải hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do đầu tư chi phí giá thành cao, phương tiện thiếu dẫn đến một số hình thức cạnh tranh không lành mạnh như chở dưới giá thành, chở quá tải. Sau một thời gian dài thì tình trạng chở quá tải diễn biến phức tạp và tăng hơn trước”.
Tình trạng sang tải và chở hàng quá tải trọng của nhiều doanh nghiệp đang còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố gây phản cảm và búc xúc trong giới doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đề xuất Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT tăng cường kiểm soát tải trọng từ trung ương đến địa phương, lắp đặt cân tự động và lắp đủ các làn đường tại các trạm thu phí BOT. Khi trích xuất và xóa dữ liệu, cân tự động phải có sự giám sát của Hội đồng Nhân dân hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Mặt khác, cần xây dựng một ứng dụng thông minh để người dân có thể dễ dàng phản ánh tình trạng xe quá tải, doanh nghiệp chở quá tải, địa phương còn tình trạng chở quá tải. Qua đó cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát tải trọng có thông tin để xử lý vi phạm, người dân có công cụ đánh giá hiệu quả của cơ quan được giao kiểm soát tải trọng. Hơn nữa, phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo đơn vị được giao kiểm soát tải trọng nếu không hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương phải cùng chịu nếu để xảy ra tình trạng chở quá tải, sang tải.
Hiệp hội Vận tải TPHCM cũng đề xuất sửa đổi thủ tục cấp phép cho xe chở hàng quá tải, quá khổ theo quy định tại Thông tư số 46/2015 của Bộ GTVT. Hiện nay, thông tư này yêu cầu 4 điều kiện đối với doanh nghiệp vận tải. Đáng chú ý nhất là để có giấy phép, doanh nghiệp phải có phương án vận chuyển, khảo sát đường bộ. Phương án đó phải bao gồm thông tin về tuyến đường vận chuyển, thông tin về phương tiện vận chuyển, thông tin chuyên chở hàng hóa có xác nhận của chủ hàng bao gồm các thông số kích thước về chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Ngoài ra, phải có khối lượng, hình ảnh, hợp đồng vận chuyển hoặc văn bản chỉ định đơn vị vận chuyển của chủ hàng hoặc đơn vị thuê vận chuyển.
Việc lập phương án vận chuyển rất khó khăn cho doanh nghiệp. Lý do là doanh nghiệp tự thân không đủ điều kiện để đi khảo sát cầu đường, phải thuê đơn vị có chức năng, không tính toán được chi phí, thời gian, dẫn tới mất cơ hội chở hàng. Thực tế còn xuất hiện các doanh nghiệp sử dụng giấy lưu hành giả nhưng không có cơ sở để kiểm soát.
Để vừa kiểm soát được các doanh nghiệp vận chuyển hàng quá tải, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu lại các thủ tục, cách làm, có thể tổ chức như dịch vụ công vừa đảm bảo vận chuyển an toàn, không ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp vận tải và đơn vị sử dụng nhanh chóng, kịp thời.
Nguồn: thesaigontimes.vn