Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố cho biết, thị trường tiền tệ, tín dụng trong tháng chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới. “Tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý“, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Mức tăng trưởng 8,18% trong 8 tháng đầu năm cũng là con số thấp nhất trong bốn năm gần đây và chỉ bằng gần một nửa theo định hướng cả năm của Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm (17%).
Đây cũng không phải lần đầu thực trạng tăng trưởng tín dụng chậm lại được nhắc đến. Trong báo cáo 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cơ quan cho biết tín dụng nửa đầu năm cũng chỉ tăng 6,5%, thấp hơn so với mức tăng 8,7% cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng thấp so với nhiều năm gần đây lại không phản ánh toàn bộ bức tranh chung của hệ thống tài chính. Với ngành ngân hàng, không ít nhà băng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng hai con số, thậm chí gần vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu năm.
Trước khả năng nhiều ngân hàng xin cấp thêm “quota” tăng trưởng, cơ quan điều hành mới đây cũng có những động thái chỉ đạo về vấn đề này.
Theo Chỉ thị 04 của Thống đốc Lê Minh Hưng, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm 2018, trừ những trường hợp đặc biệt như việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
LienVietPostBank – ngân hàng đứng thứ ba về tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm, buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018, một phần do không được “nới room” tăng trưởng tín dụng. Nhà băng này thông báo điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2018 giảm 33%, từ 1.800 tỷ xuống còn 1.200 tỷ đồng.
Dù động thái thắt chặt tín dụng từ cơ quan điều hành đã rõ, song nhiều công ty chứng khoán vẫn cho rằng, các ngân hàng sẽ ít bị ảnh hưởng lợi nhuận bởi vấn đề này.
Theo Công ty chứng khoán HSC, các ngân hàng sẽ có bốn phương án để giảm bớt ảnh hưởng từ Chỉ thị 04. Trong đó, các nhà băng có thể tái cơ cấu lại danh mục tín dụng; thay đổi lãi suất theo hướng giảm lãi suất huy động và tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh thu ngoài lãi và giảm chi phí hoạt động; hoặc một biện pháp khác là tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém để vào trường hợp đặc biệt được phép nới “room” tín dụng.
Minh Sơn
Nguồn : vnexpress.net