Khi blockchain trở thành xu hướng đầu tư nổi bật

0
248

Khi blockchain trở thành xu hướng đầu tư nổi bật

Chánh Tài

(TBVTSG) – Trong vòng hai năm trở lại đây, công nghệ blockchain (chuỗi khối) đang trở thành xu hướng nổi bật trong hoạt động đầu tư của hàng loạt lĩnh vực kinh tế, bởi vì nó được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi lớn trong nhiều ngành nghề.

Ngày càng có nhiều công ty trên thế giới rót tiền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain vì nhận thấy những lợi ích to lớn mà nó mang lại bao gồm giúp tiết kiệm chi phí, thời gian giao dịch đồng thời tăng cường tính minh bạch.

Maersk và IBM đã phát triển một nền tảng mở sử dụng công nghệ blockchain, cho phép quản lý hiệu quả các giao dịch liên quan đến chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển.

Trào lưu đầu tư nghiên cứu công nghệ blockchain

Blockchain bắt đầu được chú ý khi đồng tiền ảo bitcoin ra đời vào năm 2009 vì nó là nền tảng để đồng tiền ảo này được tạo ra. Hiểu một cách đơn giản, blockchain giống như một cuốn sổ cái điện tử phi tập trung lưu trữ đầy đủ thông tin giao dịch mà các bên liên quan có thể giám sát và xác nhận tính xác thực của chúng theo thời gian thực.

Không ai có thể tự ý thay đổi các thông tin nếu như không có sự đồng thuận chung của các bên liên quan.

Nhiều công ty nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất toàn cầu do tạp chí Fortune xếp hạng đang đầu tư hàng tỉ đô la vào công nghệ blockchain. Ngành công nghiệp quảng cáo muốn sử dụng nó để theo dõi các quảng cáo trên mạng Internet; ngành công nghiệp âm nhạc lên kế hoạch sử dụng nó để theo dõi các ca khúc; các ngân hàng muốn sử dụng nó để giám sát các chứng thư chuyển nhượng bất động sản và ngành vận tải biển đang đầu tư vào nó để theo dõi các vận đơn, ngành dược phẩm, thực phẩm muốn sử nó để xác minh chuỗi cung ứng… Các công ty đang thử nghiệm công nghệ blockchain chủ yếu để giải quyết hai vấn đề: nâng cao hiệu quả hoạt động và chống gian lận. Nói tóm tại, công nghệ blockchain giải quyết một thách thức quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh: niềm tin, hay nói đúng hơn là vấn đề thiếu niềm tin.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đã đầu tư hơn 1,3 tỉ đô vào công nghệ blockchain. Cuối tháng 6 vừa qua, công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz (Mỹ) thông báo thành lập quỹ 300 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào các ứng dụng công nghệ blockchain. Hãng nghiên cứu thị trường IDC gần đây dự báo các công ty và chính phủ sẽ đầu tư 2,1 tỉ đô la cho các công nghệ blockchain trong năm 2018, tăng gấp đôi so với năm ngoái và con số này sẽ tăng lên 9,7 tỉ đô vào năm 2021.

Dưới đây là những xu hướng đầu tư đáng chú ý hiện nay trong lĩnh vực công nghệ blockchain.

Quản lý chuỗi cung ứng vận tải biển

Hồi đầu năm nay, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) và tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) đã thành lập một công ty liên doanh nhằm phát triển một nền tảng mở sử dụng công nghệ blockchain, thay vì khối lượng giấy tờ khổng lồ, để quản lý các giao dịch liên quan đến chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển từ các nhà cung cấp đến các khách hàng. Dự kiến, nền tảng này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay và sẽ được cung cấp thông qua dịch vụ điện toán đám mây của IBM.

Hơn 4.000 tỉ đô la hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển mỗi năm. Chi phí giấy tờ giao dịch để xử lý và quản lý khối lượng hàng hóa này ước tính chiếm đến 20% tổng chi phí vận chuyển. Nền tảng mà Maersk và IBM phát triển có thể giúp ngành vận tải biển toàn cầu tiết kiệm hàng tỷ đô mỗi năm bằng cách thay thế hệ thống quản lý dựa trên giấy tờ và trao đổi dữ liệu điện tử hiện nay. Nền tảng này sử dụng công nghệ blockchain giúp các bên theo dõi theo thời gian thực một bảng thông tin điện tử liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất và công ty vận tải biển đến các cơ quan quản lý cảng và các cơ quan chức năng của chính quyền.

Một chuyến tàu chở các quả bơ từ Kenya đến thành phố Rotterdam (Hà Lan) cần rất nhiều giấy tờ gồm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, vận đơn, tờ khai hàng hóa, hóa đơn thương mại… Tất cả giấy tờ này đều cần phải được xác nhận bởi các cơ quan chức năng và tất nhiên chúng sẽ được các nhân viên liên quan chạy xe máy lui tới các cơ quan chức năng ở Kenya để ký tá. Sau khi được đưa lên tàu, các giấy tờ sẽ được nhân viên chuyển phát nhanh gửi đến cho đại lý hải quan Rotterdam. Phải mất 4-6 tuần để đại lý hải quan Rotterdam xác minh các giấy tờ này, rồi mới cho phép thông quan lô hàng. Mike White, Giám đốc điều hành của công ty liên doanh giữa Maersk và IBM, cho biết một chuyến hàng chở bơ như vậy thường cần đến 30 cơ quan, tổ chức bao gồm 100 người xử lý với hơn 200 lượt giao dịch. Bất cứ vấn đề nào xảy ra bất kỳ nơi đâu trên hành trình của chuyến hàng có thể gây chậm trễ và có thể gây thiệt hại nhất là đối với thực phẩm dễ hư thối.

Nếu sử dụng nền tảng blockchain quản lý chuỗi cung ứng của Maersk và IBM, quy trình này có thể rút ngắn nhiều lần, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. “Tất cả các giấy tờ giao dịch liên quan đến chuyến hàng chở bơ được số hóa và các cơ quan chức trách, các đại lý hải quan, các công ty vận tải biển và các cảng container đều có thể tiếp cận chúng thông qua phương tiện điện tử . Mọi người có thể truy cập các giấy tờ mà họ cần xem và những người liên quan đến các giao dịch giấy tờ này có thể được xác minh ngay lập tức nếu có bất cứ thay đổi nào xảy ra”, White nói.

Xử lý các giao dịch tài chính

Tính đến nay, công ty khởi nghiệp phần mềm doanh nghiệp R3 (Mỹ) đã huy động số vốn đầu hơn 120 triệu đô từ hơn 45 công ty để phát triển một nền tảng blockchain có tên gọi Corda (hay còn gọi là sổ cái phi tập trung Corda) để lưu trữ và quản lý các giao dịch tài chính bao gồm các giao dịch xuyên biên giới.

Hồi tháng 3-2018, ngân hàng HSBC và ngân hàng ING (Hà Lan) đã sử dụng nền tảng Corda để thực hiện một giao dịch tài trợ thương mại cho tập đoàn thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp Cargill (Mỹ). Thương vụ này liên quan đến giao dịch mua bán một chuyến hàng đậu nành từ từ Argentina sang Malaysia giữa các công ty con của tập đoàn Cargill. Công ty Cargill Geneva ở Thụy Sĩ đại diện cho công ty Cargill Argentina đã bán một lô hàng đậu nành được vận chuyển bằng đường biển cho công ty Cargill Malaysia ở Malaysia được đại diện bởi công ty Cargill Singapore (Singapore). Giao dịch thanh toán cho lô hàng được thực hiện bằng tín dụng thư dựa trên nền tảng blockchain Corda của công ty R3 (Mỹ). HSBC đã thay mặt cho Cargill Singapore phát hành một tín dụng thư cho ING, ngân hàng thông báo do Cargill Geneva chỉ định, để cam kết lô hàng này được thanh toán. Điều đáng nói nhờ nền tảng Corda, giao dịch tín dụng thư được hoàn tất trong vòng 24 tiếng đồng hồ thay vì 5-10 ngày như thường lệ.

Phương thức mua bán hiện nay giữa bên các nhà xuất khẩu và nhập khẩu là sử dụng tín dụng thư bằng giấy để thực hiện các giao dịch. Các tín dụng thư này được gửi bằng đường bưu điện hay fax và thời gian để nhận được và thẩm định tín dụng thư phải mất từ 5-10 ngày. Các tín dụng thư thể hiện thông tin về hàng hóa cung cấp và số tiền cần phải thanh toán. Tín dụng thư có ý nghĩa như một lời cam kết rằng ngân hàng của bên mua sẽ thanh toán cho lô hàng của bên bán trong trường hợp bên mua không thể chi trả.

Vivek Ramachandran, Giám đốc toàn cầu ở bộ phận sáng tạo và tăng trưởng của HSBC, nhận định nền tảng Corda giúp cho quy trình thực hiện giao dịch tài trợ thương mại nhanh, đơn giản, minh bạch và an toàn hơn. Việc HSBC và ING thực hiện thành công giao dịch tín dụng thư đầu tiên bằng công nghệ blockchain sẽ mở cánh cửa áp dụng công nghệ này trên quy mô rộng cho thị trường tài trợ thương mại toàn cầu với giá trị đến 9.000 tỉ đô la mỗi năm.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Tính thương mại hóa blockchain đang bị thổi phồng.

Dù blockchain đang trở thành một thuật ngữ công nghệ được nói đến nhiều nhất trong năm 2018 nhưng hầu hết các công ty trên thế giới chưa ứng dụng công nghệ sổ cái phi tập trung này.

Một cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Gartner công bố hồi tháng 3 cho thấy chỉ 1% trong số hơn 3.100 giám đốc công nghệ thông tin (CIO) trên toàn cầu cho biết họ đã bắt đầu ứng dụng công nghệ blockchain tại công ty của họ. Chỉ 8% nói rằng họ đang thử nghiệm công nghệ blockchain hoặc đang lên kế hoạch thử nghiệm trong ngắn hạn. Có đến 77% CIO cho biết tổ chức của họ không quan đến tâm đến công nghệ blockchain hoặc không có kế hoạch về việc thử nghiệm và phát triển nó.

Trong số 293 CIO nói rằng tổ chức của họ đang đầu tư hoặc lên kế hoạch đầu tư vào cho các sáng kiến blockchain, có 18% cho biết các nhân sự giỏi về blockchain là điều khó tìm kiếm nhất, 14% cho rằng ứng dụng blockchain đòi hỏi phải thay đổi lớn trong văn hóa hoạt động ở bộ phận công nghệ thông tin.

“Cuộc khảo sát CIO của Gartner trong năm nay cung cấp bằng chứng xác thực về tình trạng thổi phồng quá mức về ứng dụng và triển khai blockchain trong thực tế”, David Furlonger, Phó chủ tịch Gartner, nói.

Nhiều công ty trên thế giới đang đầu tư vào công nghệ blockchain để giúp truy gốc nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng, qua đó, giúp ngăn chặn nạn gian lận thực phẩm hoặc phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố thực phẩm.

Năm 2016, IBM đã hợp tác với các nhà sản xuất thực phẩm và phân phối thực phẩm lớn bao gồm Walmart để ứng dụng công nghệ blockchain, giúp giảm tình trạng thực phẩm nhiễm bẩn trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Chẳng hạn, tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ) đã hợp tác với IBM, thử nghiệm thành công hai dự án sử dụng công nghệ blockchain để truy nguồn gốc của thịt heo ở Trung Quốc và xoài ở Trung Mỹ. Trước khi sử dụng công nghệ blockchain, Walmart đã tiến hành một bài kiểm tra truy xuất nguồn gốc một loại xoài được bán tại một trong các siêu thị của Walmart. Kết quả là Walmart phải mất sáu ngày, 18 giờ và 26 phút để lần ra nguồn gốc của xoài từ nông trại ban đầu, nơi chúng được thu hoạch. Dựa vào công nghệ blockchain, Walmart có thể cung cấp thông tin cho khách hàng tất cả thông tin về chuỗi cung ứng loại xoài đang bán chỉ trong vòng 2,2 giây bằng cách quét mã QR (mã phản hồi nhanh) được dán trên hộp xoài. Do vậy, nếu loại xoài đang bán bị nhiễm khuẩn, Walmart sẽ nhanh chóng truy ra được nó được trồng ở nông trại nào, khu vực nào.

Nhờ khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng, công nghệ blockchain cho phép toàn bộ chuỗi cung ứng phản ứng nhanh hơn trước bất kỳ vụ bê bối an toàn thực phẩm nào, từ đó, giúp tránh lãng phí thực phẩm và tiết kiệm chi phí thu hồi, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh liên quan thực phẩm nhiễm khuẩn.

Alibaba là một trong những công ty ở Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ cho các ứng dụng của blockchain. Năm 2017, công ty thương mại điện tử này có 43 ứng dụng blockchain được đăng ký bản quyền. Cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) và bốn đối tác bao gồm công ty bưu chính Australia Post, công ty thực phẩm bổ sung Blackmores (Úc), công ty bưu chính New Zealand Post, hãng sữa Fonterra và (New Zealand) đã giới thiệu một hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm dựa trên công nghệ blockchain.

Hệ thống này, có tên gọi “Nền tảng niềm tin thực phẩm”, được xây dựng với sự cố vấn của hãng kiểm toán PwC. Hệ thống này sử dụng một cuốn sổ cái công khai để giúp truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối nhằm nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và xây dựng một môi trường thương mại xuyên biên giới đáng tin cậy. Với hệ thống này, các khách hàng mua các sản phẩm dầu cá của Blackmores và các sản phẩm sữa thương hiệu Anchor của Fonterra trên nền tảng thương mại điện tử Tmall Global của Alibaba có thể kiểm tra mọi quy trình trong chuỗi cung ứng của các sản phẩm này bằng cách dùng điện thoại di động quét mã QR được dán trên chúng.

Một bản báo cáo của công ty kiểm toán PwC cho biết các vụ gian lận thực phẩm (kém chất lượng hoặc bị làm giả) gây thiệt hại cho ngành thực phẩm toàn cầu khoảng 40 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Công nghệ blockchain có thể giúp ngăn chặn các vụ gian lận thực phẩm bằng cách cung cấp cho khách hàng các thông minh minh bạch về nguồn gốc thực phẩm.

Theo New York Times, Smartereum, Gartner.com

Nguồn: thesaigontimes.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.