– Chiến lược của chúng tôi là tạo nên hệ thống có quy mô lớn nhưng dựa trên các nguyên tắc đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ tối đa con người trong lúc làm việc và khi đưa ra quyết định, rồi sau đó các hiệu quả kinh doanh sẽ đến.
Tất cả những gì ngân hàng làm là dịch vụ. Cách thức chúng tôi phục vụ khách hàng như thế nào mới là quan trọng. Theo triết lý này, ngay sau khi tiếp quản vị trí CEO tại ngân hàng, tôi bắt tay quy hoạch, đưa ra kế hoạch cụ thể cho những việc ngân hàng cần làm, những dịch vụ phù hợp với tầng lớp khách hàng khác nhau.
Ở mỗi kế hoạch, chúng tôi phải tìm hiểu sâu khách hàng cần những gì và làm đúng điều họ cần. Một khi đã hiểu rõ khách hàng, mình sẽ thấy công việc ngân hàng rất nhẹ nhàng. Vì vậy, bản chất chiến lược của Techcombank là thấu hiểu khách hàng để phục vụ họ, sau đó những chuyện khác sẽ tự động đến.
Với cá nhân tôi, tôi hơi chạnh lòng khi người ta nhắc tới kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Thực ra ngân hàng không kinh doanh, không mua bán mà chỉ cung cấp dịch vụ.

– Trong 3 năm, Techcombank đã “dọn” sạch nợ tại VAMC và niêm yết lên sàn. Điều này đã giúp gì cho hoạt động ngân hàng?
– Bản chất của việc bán nợ xấu cho VAMC giống như mình phải đeo ba lô rất nặng nhưng có thêm tờ giấy chứng nhận ba lô rất nhẹ, còn thực chất nợ xấu vẫn nằm đó. Vì vậy, chúng tôi xác định, phải trích lợi nhuận của mình để xóa nợ xấu, khiến cho ba lô nhẹ đúng nghĩa. Có như vậy, ngân hàng mới đi xa hơn, nhanh hơn, và các nhà đầu tư mới yên tâm đi dài hơn với ngân hàng. Còn việc lên sàn, đương nhiên chúng tôi sẽ có thêm nhiều trọng trách, áp lực nhưng cũng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người giúp, đó chính là các nhà đầu tư.
Còn nếu nói về giá cổ phiếu, áp lực đối với chúng tôi là bằng không. Giá cổ phiếu là do người mua đi, người bán lại định giá, còn giá trị ngân hàng phụ thuộc vào chính thể lực của ngân hàng. Giống như khi bạn hoạt động trên facebook, có nhiều người nhấn nút like (thích) thì sẽ rất vui, nhưng nếu ít người like thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới giá trị của bạn.
– Phản ứng của nhà đầu tư ra sao khi Techcombank tiếp tục sử dụng lợi nhuận tái đầu tư nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng?
– Đợt IPO vừa rồi, tôi gặp nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới và họ hỏi tôi rằng họ có được chia cổ tức hay không? Tôi hỏi lại: “Các vị có tìm được nơi nào để đầu tư mà mỗi năm lợi nhuận từ 20-25% hay không?” Suy nghĩ một hồi lâu, và họ trả lời là không.

Mỗi năm chúng tôi tăng trưởng lợi nhuận trên 20% và được sử dụng để tái đầu tư. Có nghĩa là số vốn tiền của nhà đầu tư mỗi năm lại tăng giá trị thêm hơn 20. Sau ba năm sẽ tăng gấp đôi,5 năm sẽ tăng gấp ba, đây là mức sinh lời không nhỏ.
Từ năm 2015 đến nay, vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng gần 3 lần, doanh thu tăng gấp đôi. Đó là những con số thể hiện rõ hiệu quả của việc tích lũy từ đầu tư. Đầu tư đã làm đòn bẩy cho tăng trưởng. Cũng giống như đi buôn phải có vốn, một ngân hàng muốn hoạt động cần phải có dòng tiền để cho khách hàng vay. Đòn bẩy vốn làm nên sức bật cũng là yếu tố làm nên sự khác biệt cho chúng tôi. Tôi tin rằng, với đòn bẩy vốn hiện nay, khả năng sinh lời của Techcombank trong 2-3 năm tới sẽ tăng gấp 2-3 lần.
Nguồn : vnexpress.net