Chia sẻ với khán giả, thầy Mai Văn Vân – Phó hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Văn Tố (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cho biết: Thầy có 36 năm cống hiến cho ngành Giáo dục.
Là một nhà giáo tận tụy, tâm huyết với nghề, hết mình vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp GD-ĐT vùng sông nước Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, thầy kể, khi đến xã An Thạnh 2 thì chưa có trường cấp 2, chưa có học sinh và cũng chưa có giáo viên.
![]() |
Thầy Vân về thăm trường cũ (Ảnh tư liệu). |
Để có học sinh, thầy đến các ấp vận động các em ra lớp. Sau nhiều ngày lặn lội, có 34 học sinh theo thầy vào lớp 6. Chưa có phòng học, thầy và trò phải đi xin cây, lá về dựng tạm một phòng học trên mảnh đất hoang.
Để có bàn ghế, thầy đi xin cây tạp trong vườn của người dân như cau, dừa, bạch đàn,…về xẻ ra đóng bàn ghế. Riêng mình, thầy lấy cây cau xẻ ra đóng một liếp giường để làm chỗ ngả lưng vào ban đêm, mà phòng nghỉ của thầy cũng chính là phòng học của trò.
Thiết bị dạy học không có, sách giáo khoa cũng không, thầy lại sang tận Thị trấn Long Phú để xin. Từ Cù lao Dung sang Long Phú mỗi ngày chỉ có một chuyến đò và chỉ chạy theo con nước lớn, tầm từ quá nửa đêm đến 4 giờ sáng.
Vậy là, gần nửa đêm, trong khi mọi người chìm vào giấc ngủ, thầy lại mò mẫm ra bờ sông ngồi chờ đò. Khi nghe tiếng tù và của nhà đò vang lên, thầy đốt đuốc lá dừa giơ lên cao làm tín hiệu để nhà đò biết mà tấp vào bờ đón khách.
Trường lúc đó chỉ có 34 học sinh và một giáo viên là thầy nhưng vẫn phải dạy đủ các môn. Thầy lại đi tìm một giáo viên ở nơi khác đến dạy hợp đồng các môn khoa học xã hội, còn thầy chịu trách nhiệm các môn khoa học tự nhiên.
![]() |
Thầy Vân và học sinh (Ảnh tư liệu). |
Cứ thế, mỗi năm vận động được một lớp, xin cây lá dựng thêm một phòng học. Đến năm 1983, trường được UBND xã cấp cho một khu đất diện tích khoảng 1.000m2 và phụ huynh hỗ trợ vật liệu, dựng được 5 phòng học khang trang: Cột đúc xi măng, đòn tay bằng gỗ dầu, mái lợp lá, vách che bằng lá, nến vẫn là nền đất.
“Khi nằm xuống chỉ mong một lần đi qua trường”. Đó là những lời tâm sự rất tâm huyết của thầy Vân. Thầy đã dành gần trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục vùng Cù Lao Dung. Có lẽ bao nhiêu lời tri ân cũng không kể hết công lao của thầy với các thế hệ học trò.
Nguồn: giaoducthoidai.vn